Chiết tự chữ Đức (德)

Về phương thức cấu tạo, quan điểm của các học giả không đồng nhất. Trong Thuyết văn, Hứa Thận cho rằng, 德 đức là chữ hình thanh, bộ nhân kép (彳) biểu nghĩa. Tuy nhiên, cũng có học giả (Tiêu Khởi Hồng) cho rằng, chữ 德 đức là chữ hội ý, gồm bộ nhân kép (người đang đi) kết hợp với thập tứ (mười bốn) và nhất tâm (một lòng) hội hợp thành. Tiêu Khởi Hồng cho rằng, bộ nhân kép là sự thể hiện con người đang bước đi, kết hợp với 十四 thập tứ là biến thể của chữ 眉 mi (lông mày/ mắt). Hội hợp lại có nghĩa là trên đường đời, người ta luôn chú ý đến tầm nhìn để xác định mục đích hành động. Nhất (一) và Tâm (心) mang ý nghĩa là khi đã xác định được mục tiêu cuộc sống thì phải một lòng một dạ thực hiện mục tiêu đó. Tôi cho rằng, với bộ nhân kép biểu nghĩa, 德 đức có nghĩa là chân lý cuộc sống, là những gì phù hợp với quy tắc xã hội, thế hệ trước thực hiện và thế hệ sau cũng làm theo, coi đó là hệ thống chuẩn mực mà mỗi con người cần có. Từ đó, 德 đức phát triển thành nghĩa chỉ phẩm chất, tư tưởng, ân huệ của con người. Người ta trân trọng treo chữ 德 đức trong nhà coi đó là lời răn, cũng là lòng ngưỡng mộ, khuyên con cháu hãy luôn luôn rèn luyện đạo đức, phẩm hạnh, tích cực làm việc thiện, tích đức cho mai sau. Đằng sau quan niệm “thiên mệnh” (mệnh trời: trời quyết định mọi sự may rủi của con người), người ta còn có quan niệm “đức năng thắng số” (người có đức sẽ vượt lên số phận, chuyển họa thành phúc và được thần linh, tổ tiên phù trợ). Đó cũng là lời răn hết sức tích cực và đầy tính nhân văn khuyến khích người ta làm việc thiện.

 

Mặc Vương

Hãy email cho Mặc Vương khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, Mặc Vương sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!