Chiết tự chữ Lộc (禄)

Chữ 禄 lộc là chữ hình thanh, gồm bộ lễ (礻), biến thể của 示 thị (bày tỏ) biểu nghĩa, kết hợp với 录 lục biểu âm hợp thành. Trong đó, 示 thị vốn là hình ảnh biểu trưng của chiếc bàn cúng, trên đó là lễ vật cúng tế, thường là đầu trâu, dê…, còn tươi nguyên (thể hiện ở nét ngang trên cùng 一), khi đặt lên bàn còn thấy những giọt hồng nhỏ xuống (thể hiện ở hai nét phảy丿 và chấm丶 hai bên nét sổ). Đó là sự tái hiện một cách đơn giản nhất về nghi thưc cúng tế của người xưa. Khi cúng tế, người ta thường đứng trước bàn cúng bày tỏ tâm nguyện của mình với thần linh, vì vậy, 示 thị chuyển nghĩa thành bày tỏ. Tâm nguyện của người chủ tế trước thần linh là bày tỏ tâm nguyện, cầu mong mọi điều may mắn đến với mình. Vì vậy, 禄 lộc cũng có nghĩa là phúc. Kinh thi có câu 詩言福祿多不別 thi ngôn phúc lộc đa bất biệt (Kinh thi nói rằng, phúc và lộc phần lớn là tương đồng, không có gì khác biệt). Về sau, 禄 lộc dùng để chỉ phần vật chất mà triều đình dành cho các bậc quan lại, thường gọi là “lộc”, “bổng lộc”. Cụm từ cao quan hậu lộc có nghĩa là chức quan cao thì bổng lộc nhiều. Phúc, lộc, thọ là ba điều con người luôn hướng tới, do đó, người ta thường bày ba vị Phúc, Lộc, Thọ gọi chung là Tam Đa trên ban thờ để tỏ tâm nguyện có được cuộc sống đủ đầy, may mắn, trường thọ. Trong đó, ông Phúc thường có cháu con bên mình, ông Lộc thường là người áo mũ cân đai, xênh xang, phong độ. Và các chữ 福 phúc, 禄 lộc thường được người ta xin về treo ở nơi trang trọng trong nhà. Với các bậc cao niên, mỗi dịp mừng thọ, người ta thường chọn bức tranh có đề bốn chữ 萬壽無疆 vạn thọ vô cương (sống lâu muôn tuổi) thay cho lời chúc tốt đẹp nhất dành cho các cụ.

 

Mặc Vương

Hãy email cho Mặc Vương khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, Mặc Vương sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!