Chữ心 tâm là một chữ tượng hình, tái hiện lại trái tim đang đập. Người xưa cho rằng, 心 tâm là bộ phận cơ thể chủ đạo về tư duy, suy nghĩ và tình cảm. 心 tâm trong tiếng Hán tương đương với tim, lòng, dạ, bụng trong tiếng Việt. Nghĩa của chữ tâm và những chữ Hán có chứa 心 tâm (biến thể là 忄) cũng như từ ghép có chứa心 tâm đều chứng tỏ điều đó. Tiếng Hán có những lối nói như 心想 tâm tưởng, 心里想 tâm lí tưởng tương đương với nghĩ bụng, bụng nghĩ, bụng bảo dạ, tự nhủ, lòng dặn lòng…, trong tiếng Việt. Đặc điểm của loài người là đại não phát triển, lại có ngôn ngữ làm chất liệu cho tư duy. Trước khi hành động, con người thường suy nghĩ, tính toán, vạch kế hoạch rồi mới hành động. Khổng Tử nói rằng, tâm tư nhi hậu hành (suy nghĩ kỹ trước khi hành động) hay tâm tư nhi hậu ngôn chi (suy nghĩ kỹ rồi mới phát ngôn) bởi vì bút sa gà chết, xảy chân dễ chữa, xảy miệng khó chữa. Một khi người ta đã suy nghĩ kỹ rồi mới hành động, làm theo mách bảo của con tim thì hành động ấy thường là đúng đắn, hợp với đạo lý. Với truyền thống trọng nghĩa khinh tài, người Việt Nam thường đề cao đạo đức, hướng thiện và sẵn lòng giúp đỡ người yếu đuối, gặp khó khăn. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Trong tiếng Việt có những từ ngữ như phát tâm chỉ hành động cứu độ người nghèo khó, người bạn tâm phúc là người bạn thấu hiểu nhau, vui buồn có nhau. Chữ 心 tâm được người ta chọn lựa treo trong nhà, coi đó là lời răn cho chính mình và con cháu luôn hướng thiện. Mặt khác, chữ 心 tâm cũng thể hiện ước nguyện tâm sáng lòng trong, thông minh tài trí để biến nguy thành an, biến họa thành phúc, đứng vững trong cuộc đời, thành công trong sự nghiệp.
Mặc Vương
Hãy email cho Mặc Vương khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, Mặc Vương sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!