Mặc vương tên thật là Hoàng Tiến Dũng, nghệ danh là Ông đồ Ninh Bình, sinh quán ở Hoa Lư – Ninh Bình. Thuở nhỏ, lúc 6, 7 tuổi có theo bà ngoại đi lễ hội ở đền thờ vua Đinh – Tiền Lê. Gặp lúc ông chủ tế tay đang cầm cuốn: “Độ Tử Pháp”. Sân đền lộng gió làm lật từng trang sách cũ, cậu ghé vào xem thì thấy rất nhiều ô chữ hình vuông ngay ngắn thẳng hàng. Thấy lạ, liền hỏi bà:
– Bà ơi, sao sách chỉ có hình vuông như kia mà họ đọc được vậy bà?
– À, đó là chữ Nho, chữ của người Việt cổ – Bà ngoại đáp – Chữ ấy ngày nay ít dùng lắm, ngày xưa học chữ đó khó lắm. Sai một nét sẽ thành một chữ khác đấy!
Từ hôm đó, cái thứ chữ đặc biệt mà sai một nét đã thành một chữ khác cứ ám ảnh Mặc vương mãi. Thời đó vào những năm 1988, 1989 Internet không có, tài liệu để người ta tìm hiểu duy nhất là ở thư viện sách. Cậu đã lân la đến các thư viện trong thôn để tìm nhưng không có, lại đến cửa hàng sách Nhân dân lớn nhất ở chợ tỉnh nhưng cũng bật vô âm tín. Vừa kịp khi đó sắp gần năm học mới, một lần cậu theo mẹ đi mua sách giáo khoa ở cửa hàng ngoài đường quốc lộ, người bán sách là một ông giáo già có bộ râu trắng như cước, Mặc vương không ngần ngại đã hỏi ông xem có sách chữ Nho không? Ông lão rất đỗi ngạc nhiên và hứa với cậu sẽ lấy cho cậu một cuốn sách về chữ Hán.
Cuốn sách mà ông lão trao cho Mặc vương chính là cuốn: “Tam thiên tự” của dịch giả Đoàn Trung Còn. Từ ngày có sách, cậu như quên ăn quên ngủ, tự học một ngày được 4 chữ, học rồi lại quên, quên rồi lại học. Đến khi học nhớ được khoảng 300 chữ, thì cảm thấy bắt đầu có vẻ học dễ nhớ hơn.
Lúc Mặc vương 18 tuổi, cuốn sách “Tam thiên tự” ngày nào đã rất cũ. Mặc vương cũng đã có nhiều sách hơn. Duyên với chữ chưa bao giờ hết, khi Mặc vương được gặp cư sỹ Yên Sơn Lê Trung Kiên, người mà ngay mới gặp Mặc vương đã tôn là thầy, Yên Sơn đã cho Mặc vương bút, mực, giấy để tập viết, chỉ dạy cho Mặc vương và chính Yên Sơn đã gieo cho Mặc vương một niềm đam mê về chữ, về Thư pháp.
Nghe nói Văn Miếu Quốc Tử Giám có tục cho chữ đầu xuân. Mặc vương đã lên đường ra Văn Miếu cho chữ vào mỗi dịp Tết đến. Sau này, các thầy đồ ở đó đông dần lên, Văn Miếu tổ chức khảo tuyển các thầy đồ. Mặc vương cũng đã dễ dàng vượt qua các kỳ khảo tuyển đó.
Ngoài Thư pháp, thì Hội họa cũng là một niềm đam mê không thể bỏ qua được. Ngay từ nhỏ Mặc vương đã có ý thức manh nha về nghiệp hội họa. Tài năng đó thường được phát huy trong những giờ học Sinh học, Lịch sử. Thầy giáo thường gọi cậu lên để vẽ mẫu những con vật, cơ thể người hay những trận đánh nổi tiếng. Sau này tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW – Chuyên ngành Mỹ thuật, nên sáng tác tranh của Mặc vương thường vẽ về những đề tài gần gũi và thân quen trong cuộc sống mà cậu từng thực mục chứng kiến.
Sơn dầu là chất liệu mà Mặc vương ưu ái chọn cho các tác phẩm của mình. Đôi khi người xem cũng thấy một vài tác phẩm bằng Acylic. Chúng ta sẽ cảm nhận được ngay một niềm vui thuần khiết và bình yên. Nếu ngắm nhìn kĩ thì sẽ nhận ra mỗi một tác phẩm sẽ có một tính cách và chứa đựng những câu chuyện khác nhau.
Vốn là họa sỹ của Hội mỹ thuật Việt nam, thường niên các tác phẩm được triển lãm ở các nơi trong cả nước và có nhiều tác phẩm nằm trong các sưu tập của các cá nhân và tổ chức người nước ngoài.
Dưới đây là các chứng nhận tác phẩm của Mặc vương triển lãm mỹ thuật thường niên khu vực đồng bằng sông Hồng và các chứng nhận hay giải thưởng về thư pháp hàng năm ở Văn miếu Quốc tử Giám.
Đây là website chính thức của Mặc vương, ngoài ra còn có một kênh Youtobe thị phạm các chữ Hán, các bài thi, phú của Nho gia xưa tên là: Ông đồ Ninh Bình.
Hoặc cũng có một số mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… đều lấy tên là Ông đồ Ninh Bình cả.