Chúng ta hãy cùng tìm hiểu Âu Dương Tuân là người thông minh và siêng năng. Cùng một lúc ông có thể đọc vài hàng chữ, thuở thiếu niên đã đọc nhiều loại sách cổ kim, tinh thông ba bộ sử đương thời là Sử ký, Hán thư và Đông Quán Hán ký. Khi trưởng thành ông ra làm quan cho nhà Tùy với chức quan thái thường bác sĩ. Khi Lý Uyên chưa nổi danh thì hai người đã từng nhiều lần giao du. Sau khi Lý Uyên lên ngôi thì ông được thăng làm cấp sự trung. Thư pháp ban đầu của Âu Dương Tuân là mô phỏng kiểu viết của Vương Hi Chi, nhưng không bị gò bó chỉ theo mỗi kiểu của cha con họ Vương. Một truyền thuyết kể lại rằng có một lần Âu Dương Tuân cưỡi ngựa ra bên ngoài và ngẫu nhiên nhìn thấy một bia đá bên đường do nhà thư pháp danh tiếng thời Tấn là Tác Tĩnh (索靖, 209-303) viết. Ngồi trên ngựa, ông xem xét cẩn thận một lượt trước khi rời đi, nhưng chỉ đi được vài bước thì lại quay lại và xuống ngựa xem xét, nhiều lần tán thưởng, thán phục mà chẳng muốn rời đi, rồi rải chiếc chăn dạ và ngồi xuống xem xét, suy đoán. Cuối cùng ông ngồi ngắm bia đá này trong 3 ngày rồi mới rời đi. Lòng yêu thích thư pháp đạt tới mức đam mê cộng với sự chuyên cần học tập khổ luyện nên cuối cùng ông đã tạo ra một kiểu viết thư pháp cho riêng mình. Tướng mạo của Âu Dương Tuân rất xấu xí, giống như một con khỉ. Bản sự thi của Mạnh Khải (孟啟) thời Đường và Toàn Đường thi thời Thanh viết rằng khi về già thì Âu Dương Tuân trông hom hem nhăn nhúm tới mức bị Trưởng Tôn Vô Kỵ làm thơ trêu đùa rằng: 耸膊成山字, 埋肩畏出头. 谁家麟阁上, 画此一猕猴. (Tủng bác thành sơn tự, mai kiên úy xuất đầu. Thùy gia Lân Các thượng, họa thử nhất mi hầu; nghĩa là Giơ tay thành chữ sơn, che vai sợ lộ đầu. Lẽ nào trên Lân Các, lại vẽ một con khỉ). Trong tang lễ của Trưởng Tôn hoàng hậu, Hứa Kính Tông thấy dung nhan xấu xí của Âu Dương Tuân không nhịn được đã bật cười to, bị ngự sử đàn hặc, giáng làm Hồng Châu đô đốc phủ tư mã. Thậm chí có người còn viết ra Bổ Giang Tổng bạch viên truyện nhạo báng rằng ông là do một con vượn trắng thành tinh sinh ra, nhưng thư pháp của ông thì nổi tiếng khắp thiên hạ, nhiều người ganh đua để có được chữ do ông viết, một khi có được thì coi chúng như là những vật trân quý để làm mẫu cho việc tập viết thư pháp của chính mình. Trong khoảng thời gian thuộc niên hiệu Vũ Đức (618-624), Cao Câu Ly thường cử đặc sứ đến Trường An để tìm hiểu về thư pháp của Âu Dương Tuân. Nhận được tin này, Đường Cao Tổ Lý Uyên thở dài đầy cảm thán: “Thật bất ngờ là danh tiếng của Âu Dương Tuân lại lớn tới mức ngay cả Di Địch từ phương xa cũng biết đến. Khi họ nhìn thấy bút tích của Âu Dương Tuân nhất định sẽ nghĩ rằng ông ta là người khôi ngô tuấn tú”. Năm Vũ Đức thứ 7 (624), Âu Dương Tuân phụng chỉ cùng Bùi Củ, Trần Thúc Đạt biên soạn Nghệ văn loại tụ gồm 100 quyển. Sau khi sách viết xong, ông được ban thưởng 200 tấm lụa. Năm Trinh Quán thứ nhất (627), Âu Dương Tuân thăng quan giữ chức thái tử suất canh lệnh, vì thế ông còn được gọi là Âu Dương suất canh, học sĩ Hoằng Văn quán, phong làm Bột Hải nam. Ông mất năm 641, hưởng thọ 85 tuổi. Nhan Chân Khanh (709-784), tự là Thanh Thần, nhũ danh là Tiễn Môn Tử, biệt hiệu Ưng Phương, là người Kinh Triệu Vạn Niên (nay là Tây An, Thiểm Tây), tổ tiên ở Lang Gia, Lâm Nghi (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông). Là cháu của học giả Nhan Sư Cổ và cháu 5 đời của Nhan Chi Thôi. Ông là nhà thư pháp gia nổi tiếng của triều đại nhà Đường. Thư pháp của Nhan Chân Khanh khi mới bắt đầu là học từ Chử Toại Lương, sau đó học thêm được bút pháp của Trương Húc và cùng với Hoài Tố nghiên cứu thảo luận về thư pháp. Nhan Chân Khanh nghiên cứu rất sâu về lối viết của Vương Hi Chi và Chử Toại Lương, học hỏi và rút ra những điểm mạnh, loại bỏ đi lối viết và phong cách thời đầu nhà Đường và sáng tạo nên phong cách của thời đại mới. Cấu tạo thư pháp của Nhan Chân Khanh được cho là “Nhan thể“, cùng với Liễu Công Quyền hợp lại thành “ Nhan Liễu“, do đó tạo nên “Nhan Cân Liễu Cốt“ nổi danh. Chữ viết của Nhan Chân Khanh hùng dũng nhưng thanh tú, kết hợp một sự đoan trang. Kết tự do những nét mảnh dài như chữ đầu thời Đường biến điệu thành hình khối, phương trung kiến viên, có hướng vào tâm lực, dùng bút chất phác nhưng mạnh mẽ, thích dùng bút pháp ở vị trí giữa, thêm vào đó sự vận động gân cốt uyển chuyển. Thường thường ông vẽ rất sơ lược, vẽ thẳng rồi chấm, bỏ đi nét mác. Đây mới là phong cách của ông, khí chất khí thế, dùng lực gân cốt, có chứa đựng khí tượng nhà Đường. Liễu Công Quyền – 柳公权 (778 – 865), tự là Thành Huyền – 诚悬, người Kinh Triệu, đỗ Tiến sĩ vào niên hiệu Nguyên Hoà đời Đường Hiến Tông, nhận chức Hàn lâm viện Thị thư Học sĩ đời Đường Mục Tông sau làm tới chức Thái tử Thiếu sư, người đời còn gọi ông là “Liễu thiếu sư – 柳少师”. Ông là người bản tính cương trực, từ nhỏ đã giỏi thơ văn, tinh Thư pháp chữ Triện, Thảo, Hành, Khải, trong đó Khải thư xuất sắc nhất, trở thành Thư gia tiêu biểu thời kỳ vãn Đường. Thư pháp của ông, lúc đầu học Nhị Vương (tức là Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi), sau đó học hầu hết phép tắc Khải thư đời Tuỳ, Đường, vì vậy các tác phẩm của ông vừa mang diện mạo của người đời Nguỵ, Tấn, lại có vẻ gầy guộc, cứng cỏi của Long Tàng tự bi đời Tuỳ, đồng thời thể hiện được tinh hoa các danh gia đời Đường. Đối với Thư pháp thời Thịnh Đường, ông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nhan Chân Khanh, thể hiện rõ ở các nét chuyển, chiết, câu, hất, phẩy, mác. Nhìn chung, Liễu Công Quyền đã dung hội được những tinh tuý của danh gia thời cổ, viết nên lối chữ hết sức khoẻ khoắn, rõ ràng, thần khí vừa mạnh mẽ vừa thanh tú, vuông tròn đầy đủ, phép tắc sâm nghiêm mà chứa đựng nhiều biến hoá, xứng đáng là tông sư của một thời. Khải thư của Liễu Công Quyền xuất phát từ khía cạnh kế thừa và phát triển truyền thống nên gần gũi với đời sống; cùng như chữ của Nhan Chân Khanh, chữ của Liễu Công Quyền trở thành một thư thể có giá trị, ảnh hưởng lớn tới đời sau. Chữ Khải của người đời Đường duy chỉ có Nhan thể, Liễu thể có thể vừa dùng để viết bia văn Đại Khải hoặc chữ Bảng thư, vừa dùng để viết trung, tiểu Khải. Chữ của Liễu được người đời ưa chuộng, truyền sang tận Nhật Bản; đối với người mới học Khải thư, Liễu thể là một trong những thể chữ mẫu mực bởi sự đoan chính của hình chữ dễ dàng cho việc nhập môn. Triệu Mạnh Phủ (1254 – 1322), tự là Tử Ngang, người Hán, bút hiệu Tùng Tuyết, Âu Ba và Thủy tinh cung đạo nhân, là người Ngô Hưng, Chiết Giang (Hồ Châu, Chiết Giang ngày nay). Ông là nhà thư pháp, họa sĩ và nhà thơ nổi tiếng từ cuối triều đại Nam Tống đến đầu thời Nguyên triều. Là cháu nội thứ 11 của Tần Vương Triệu Đức Vương con Tống Thái Tổ. Triệu Mạnh Phủ có vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử nghệ thuật thư pháp Trung Quốc. Sự đóng góp của ông trong thư pháp không chỉ là những tác phẩm thư pháp mà còn là những triết lí, luận lí về thư pháp. Hiểu biết của ông chi tiết, từ thanh nhất đến đậm nhất về thư pháp. Ông cho rằng: ”Thư pháp có hai điểm chính, một là bút pháp, hai là hình dạng chữ, bút pháp phải tinh tế, tuy bên ngoài mềm mại nhưng ẩn bên trong vẫn sắc sảo, tướng chữ tuyệt diệu, tuy thạo mà mới, học chữ phải hiểu tận gốc, mới bắt đầu có thể dùng ngữ thư”. Còn nữa: “Học thư pháp là luôn nghiền ngẫm thư pháp của cổ nhân, ý niệm vận vào dùng bút, không ngừng vươn lên”. Trên bản thư pháp mẫu của cổ nhân trước đây, ông đã chỉ ra được những ý nghĩa thực sự: “ người xưa nổi tiếng với những chữ điêu khắc của họ, chuyên tâm học tập, sẽ nổi danh khắp giới.” Triệu Mạnh Phủ học vấn thông thái, có nhiều tài năng, có thể viết thơ, hiểu biết chính trị, viết thư pháp, tinh thông hội họa, điêu khắc đá và kim loại, còn là bình luận gia. Đặc biệt với thư pháp và hội họa ông có thành tựu cao nhất. Trên lĩnh vực hội họa, Triệu Mạnh Phủ đã khai tạo ra một phong cách vẽ mới cho thời đại nhà Nguyên. Ông cũng viết chữ Triện, Lệ, Thảo, Hành, nhất là chữ Khải, chữ Khải của ông nổi danh thế giới. Phong cách viết của ông rất quyến rũ , duyên dáng, kết thể nghiêm chặt, bút pháp viên thục. Triệu Mạnh Phủ cùng 3 người là Âu Dương Tuần, Nhan Chân Khanh, và Liễu Công Quyền hợp thành ”Tứ đại gia Khải thư”. Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Âu Dương Tuân
Nhan Chân Khanh
Liễu Công Quyền
Triệu Mạnh Phủ
Hãy email cho tôi khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, tôi sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!