Chiết tự chữ Nhân (仁)

Theo “Thuyết văn giải tự”, 仁 nhân là một chữ hội ý, gồm 人 nhân (người) và nhị (hai – số nhiều) hợp thành, nghĩa là thân ái. Nhân là một khái niệm dùng để thể hiện tư tưởng, tình cảm của loài người. Khổng Tử là người đề xướng nhân. Nhân cũng là vấn đề cốt lõi của hệ tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Sau gần 200 năm, Mạnh Tử đã tiếp thu và kế thừa tư tưởng nhân của Khổng Tử, phát triển thành nghĩa. Sách “Luận ngữ” đã nhắc đến chữ nhân với tổng số 109 lần. Trong đó, nổi bật nhất là câu: “Chí sỹ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân: Kẻ có chí, người có nhân không vì mưu cầu sự sống của cá nhân mình mà phương hại đến điều nhân nghĩa, nhưng lại dám hy sinh bản thân mình để hoàn thiện chữ nhân. Nhà văn tự học đời Tống Từ Huyền giải thích rằng, 仁者兼爱 nhân giả kiêm ái (nhân là kiêm ái). Kiêm ái nghĩa là biết yêu thương người khác, rồi từ đó, mở rộng lòng mình, yêu quý vạn vật xung quanh. Hàn Dũ trong “Nguyên đạo” đã giải thích hai chữ nhân, nghĩa bằng câu: bác ái chi vị nhân, hành nhi nghi chi chi vị nghĩa: nhân là bác ái, làm điều nhân, khiến nó được thích nghi, hài hòa gọi là nghĩa (博爱之谓仁,行而宜之之谓义). Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” cho rằng, Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân. Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo: Điều then chốt của nhân nghĩa là phải làm cho dân chúng được yên vui. Mà muốn cho dân chúng yên vui thì trước hết phải trừ khử kẻ bạo tàn (仁义之举,要在安民. 吊伐之师,莫先去暴). Tuy cách giải thích của mỗi nhà tư tưởng có phần khác nhau, nhưng nhân đều được coi là lòng yêu thương con người – một phẩm chất đạo đức mà thời đại nào cũng được coi trọng.

Mặc Vương

Hãy email cho Mặc Vương khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, Mặc Vương sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!