Theo “Thuyết văn giải tự”, chữ 智 trí là chữ hội ý kiêm hình thanh, gồm 知 tri (biết) và 日 nhật (mặt trời) hợp thành. Trong đó, 知 tri vừa có giá trị biểu âm, vừa có giá trị biểu nghĩa. 知 tri là chữ hội ý kết cấu trái phải, gồm 矢 thỉ (mũi tên) và 口 khẩu (miệng), hội hợp lại biểu thị mũi tên biết tìm đến đích. 知 tri là biết, còn 智 trí là thông minh, tài trí. Nền tảng của trí thông minh là hiểu biết, nắm bắt được tri thức, quy luật của tự nhiên và quy luật của xã hội. Từ đó có được phương sách ứng phó với mọi thử thách của cuộc sống. Trong văn ngôn, hai chữ 知 tri và 智 trí thường hợp nhất làm một. Khi văn ngôn chuyển hóa thành bạch thoại, hai chữ này mới tách ra.
Nhân và trí đều phải trải qua quá trình tu dưỡng mà thành. Sách “Trung dung” có đoạn viết: “Hiếu học cận hồ trí, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng, tri tư tam giả tắc tri sở dĩ tu thân”. Nghĩa: Hiếu học có thể tiếp cận được với trí, ráng sức hành động sẽ tiếp cận được với nhân, biết liêm sỉ sẽ tiếp cận được với dũng. Những người hiểu được ba điều này thì đều biết cách tu chỉnh bản thân. Ham mê học hỏi là biện pháp tốt nhất để tích lũy tri thức của nhân loại, tiếp thu lời giáo huấn của các bậc thánh hiền và kinh nghiệm đúc rút qua thực tế cuộc sống của người đi trước. Người ham học có thể chuyển hóa tri thức của người khác tích lũy được thành kiến thức của mình. Quá trình chuyển hóa ấy phải được sàng lọc, thấm nhuần thông qua năng lực nhận thức chủ quan. Như vậy, để có thể rèn trí thông minh, con người phải ham mê học tập, thấu hiểu chân lý và từ đó tích cực vận dụng vào thực tế cuộc sống. Phương cách để rèn trí tuệ đã ghi trong “Trung dung” là Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi, nghĩa là học rộng, hỏi kỹ, suy nghĩ thấu đáo, biện luận rõ ràng, thực hành nhiều lần. Nói cách khác, quá trình học tập rèn luyện để trở thành người thông minh tài trí là quá trình nắm bắt lí luận, quá trình phản biện và quá trình vận dụng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với phép biện chứng của quá trình nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Người đã tôi luyện và trở thành kẻ trí phải suy nghĩ vấn đề một cách thấu đáo, tư duy mạch lạc, chặt chẽ để có tầm nhìn xa, biết cư an tư nguy, không suy nghĩ và hành động tùy tiện. Khi đối mặt với nguy cơ phải tìm cách đối phó một cách hiệu quả nhất để có thể chuyển họa thành phúc, biến nguy thành an và không chịu ràng buộc bởi hoàn cảnh.
Mặc Vương
Hãy email cho Mặc Vương khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, Mặc Vương sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!