Chiết tự chữ Trung (忠)

Chữ 忠 trung có thể hiểu theo hai phương diện. Thứ nhất, đây là chữ hình thanh kết cấu trên dưới. Trong đó, 中 trung là phần biểu âm, 心 tâm là phần biểu nghĩa, thể hiện thái độ cư xử và làm việc của bậc quân tử trong cộng đồng. 心Tâm trong quan niệm của người Hán là bộ phận cơ thể chủ đạo về tư duy, suy nghĩ và tình cảm. Có thể dựa vào các tầng nghĩa của chữ 心 tâm và vai trò của 心 tâm trong cấu tạo chữ Hán cũng như tạo từ ghép để chứng tỏ điều đó. Với các nghĩa bóng thể hiện tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ này, 心 tâm trong tiếng Hán lại tương đương với lòng, bụng trong tiếng Việt. Thứ hai cho rằng, chữ 忠 trung là chữ hội ý kết cấu trên dưới. Trong đó, chữ tâm như trên đã phân tích kết hợp với chữ trung (ở giữa) hội thành nghĩa “trung tại tâm thượng”, trung là tâm điểm, hài hoà các vị trí trên dưới, trước sau, phải trái, không thiên lệch. Lẽ công bằng đó được đo bằng chính cái tâm của mình. Trong Thuyết văn giải tự, chữ 忠 trung có nghĩa là kính cẩn, là hết lòng phụng sự. Chữ trung đã thể hiện rõ nét chuẩn mực luân lí, đạo đức truyền thống. Trong xã hội thị tộc, 忠 trung nghĩa là tận tâm, trung thành với thị tộc. Trong xã hội phong kiến, để duy trì địa vị thống trị xã hội và phát huy cao độ vai trò của cá nhân, trung quân ái quốc được coi là chuẩn mực đạo đức cao cả mà mọi người đều muốn vươn tới. Sách Luận ngữ có đoạn ghi về tranh luận của học trò Khổng Tử về học thuyết của ông, Khổng Tử trả lời rằng: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi , trung thứ nhi dĩ”. (chỉ một chữ có thể xuyên suốt được chân lý mà ta muốn nói, đó là 忠 trung và 恕 thứ). Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung thành cũng là một trong những thước đo phẩm giá của một con người.

Mặc Vương

Hãy email cho Mặc Vương khi các bạn có thắc mắc gì trong lĩnh vực này, Mặc Vương sẽ trả lời trong vòng 24 giờ, thật đấy!