Sách thẻ tre những điều cần biết

Thẻ trẻ ra đời trước giấy, được xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ V trước công nguyên. Thẻ tre là công cụ lưu trữ văn bản phổ biến từ đời nhà Tần đến Ngụy Tấn. Trước đó, các nguyên liệu dùng để viết văn tự thường là giáp cốt (xương động vật), chung đỉnh (chuông, vạc đồng), đá, da động vật hoặc lụa. Tuy nhiên, các nguyên liệu này không phổ biến và đều có hạn chế. Ví dụ như khắc lên đá, chung đỉnh khó có thể di dời, viết lên lụa thì đắt đỏ.

Ở đời nhà Ân Thương chỉ có khoảng hơn 100 người là tầng lớp thượng tầng trong xã hội được nắm giữ văn tự. Điều đó làm ảnh hưởng đến việc truyền bá tư tưởng và văn hóa. Cho đến khi thẻ tre ra đời thì tình hình lưu trữ văn bản mới được cải biến. Thẻ tre là kết quả của sự chọn lọc kỹ càng và phù hợp ở thời bấy giờ. Bởi, thẻ tre được làm từ tre là nguyên liệu phổ biến, lại dễ chế tác đã khắc phục được phần nào hạn chế của những nguyên liệu trước đó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thẻ tre cũng hạn chế nhất định. Ví dụ như dễ mối mọt và có trọng lượng lớn. Thời Tần Thủy Hoàng một bộ sách thẻ tre có thể bao gồm hàng chục cuộn có tổng trọng lượng lên tới 72kg. Trong khi nếu là giấy thì chưa cần đến 1 kg.
Các công cụ dùng để viết lên thẻ tre là bút lông và mực tàu. Ngoài ra, người viết còn cần chuẩn bị cho mình một chiếc dao để phòng trường hợp viết sai thì có thể cạo đi viết lại. Chính vì vậy, biểu tượng quyền lực đối với các loại văn bản thời bấy giờ là con dao, chứ không phải là bút lông. Con dao mang ý nghĩa biểu trưng có thể xóa bỏ hoặc sửa đổi văn bản.

Sách thẻ tre chữ Hán

KÍCH THƯỚC CỦA SÁCH THẺ TRE
Tùy vào mục đích sử dụng mà thẻ tre được thiết kế có độ dài khác nhau. Thẻ tre dùng để viết chiếu thư, quân lệnh thường dài 3 thước, khoảng 67.5 cm . Thẻ tre dùng đẻ chép kinh, viết sách dài 2 thước 4, tương đương 56 cm. Dùng để viết thư tín trong dân gian dài khoảng 1 thước, tương đương 23 cm.

Sách thư pháp

CÁCH CHẾ TẠO SÁCH THẺ TRE
Tre trước tiên được cạo lớp vỏ xanh, hong khô trên lửa. Việc hong khô giúp thẻ tre không bị mốc, hạn chế mối mọt và bảo quản được lâu hơn. Sau khi hong khô đem cắt nhỏ thành các thẻ, bước tiếp theo là viết lên các thẻ, cuối cùng là đục lỗ và luồn, buộc dây để định vị các thẻ tre.

Sách chữ hán

MỐI QUAN HỆ GIỮA SÁCH THẺ TRE VÀ THƯ PHÁP
Sách thẻ tre là vật dụng quan trọng để viết thư pháp ở đời Tiền Hán (từ năm 206 trước Công Nguyên đến năm năm 25 Công Nguyên). Còn trước đó ở thời Tiền Tần, văn tự được phát triển theo khuynh hướng từ tính ứng dụng đến tính nghệ thuật. Khi đó sự thay đổi của văn tự và thư pháp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thẻ tre chính là công cụ ghi dấu lại sự pháp triển của thư pháp nói riêng và văn tự nói chung. Tháng 12 năm 1975 tại huyện Vân Mộng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc người ta đào được hơn 1000 chiếc thẻ tre, trên thẻ tre viết chữ Tần Lệ. Từ những tư liệu thẻ tre khảo cổ được cho thấy, thời Chiến Quốc và thời nhà Tần thì chữ Triện đã được giản hóa, các nét được giảm bớt đi, hình dáng chữ vuông bẹt hơn. Đó là biểu hiện cho sự ra đời của Lệ Thư.

#thuphapmacvuong