Tam Tự Kinh (三字經) – Liễu thể

Tam Tự Kinh (chữ Hán: 三字經) là cuốn sách chữ Hán được soạn từ đời Tống, đến đời Minh, Thanh được bổ sung. Sách được dùng để dạy học cho học sinh mới đi học.

Liễu thể chỉ Liễu Công Quyền, một trong tứ đại Thư pháp của Trung Hoa.

Liễu Công Quyền – 柳公权 (778 – 865), tự là Thành Huyền – 诚悬, người Kinh Triệu, đỗ Tiến sĩ vào niên hiệu Nguyên Hoà đời Đường Hiến Tông, nhận chức Hàn lâm viện Thị thư Học sĩ đời Đường Mục Tông sau làm tới chức Thái tử Thiếu sư, người đời còn gọi ông là “Liễu thiếu sư – 柳少师”. Ông là người bản tính cương trực, từ nhỏ đã giỏi thơ văn, tinh Thư pháp chữ Triện, Thảo, Hành, Khải, trong đó Khải thư xuất sắc nhất, trở thành Thư gia tiêu biểu thời kỳ vãn Đường.

Thư pháp của ông, lúc đầu học Nhị Vương (tức là Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi), sau đó học hầu hết phép tắc Khải thư đời Tuỳ, Đường, vì vậy các tác phẩm của ông vừa mang diện mạo của người đời Nguỵ, Tấn, lại có vẻ gầy guộc, cứng cỏi của Long Tàng tự bi đời Tuỳ, đồng thời thể hiện được tinh hoa các danh gia đời Đường. Đối với Thư pháp thời Thịnh Đường, ông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nhan Chân Khanh, thể hiện rõ ở các nét chuyển, chiết, câu, hất, phẩy, mác. Nhìn chung, Liễu Công Quyền đã dung hội được những tinh tuý của danh gia thời cổ, viết nên lối chữ hết sức khoẻ khoắn, rõ ràng, thần khí vừa mạnh mẽ vừa thanh tú, vuông tròn đầy đủ, phép tắc sâm nghiêm mà chứa đựng nhiều biến hoá, xứng đáng là tông sư của một thời.

Khải thư của Liễu Công Quyền xuất phát từ khía cạnh kế thừa và phát triển truyền thống nên gần gũi với đời sống; cùng như chữ của Nhan Chân Khanh, chữ của Liễu Công Quyền trở thành một thư thể có giá trị, ảnh hưởng lớn tới đời sau. Chữ Khải của người đời Đường duy chỉ có Nhan thể, Liễu thể có thể vừa dùng để viết bia văn Đại Khải hoặc chữ Bảng thư, vừa dùng để viết trung, tiểu Khải. Chữ của Liễu được người đời ưa chuộng, truyền sang tận Nhật Bản; đối với người mới học Khải thư, Liễu thể là một trong những thể chữ mẫu mực bởi sự đoan chính của hình chữ dễ dàng cho việc nhập môn.

Đặc trưng dụng bút trong chữ Liễu thể
Chấp bút ở ngón tay, vận bút nhờ cổ tay; khi viết, viết từ đường nét để tổ hợp thành chữ. Biểu hiện của hình thái chữ cốt ở hình thái của đường nét. Bất cứ vấn đề dụng bút nào của đường nét, như: khởi thu, dài ngắn, vuông tròn, đậm mảnh, cao thấp, hướng bối, ngay thẳng, cong nghiêng, nhẹ mạnh, nhanh chậm, hư thực, tương hỗ cho đến các kỹ thuật chuyển chiết, đốn toả, tàng phong, lộ phong… đều ảnh hưởng trực tiếp tới việc biểu hiện hình thái của chữ. Mỗi danh gia đều bỏ công sức nghiên cứu rất kỹ về phương diện dụng bút, từ đó để hình thành nên phong cách đặc trưng của họ. Vì vậy, những người mới học cần nắm được vấn đề này trước tiên, mới có thể tiếp tục lâm mô được. Đối với đặc trưng dụng bút trong chữ Liễu thể, cần nắm những điểm sau:

1. Nhan thể lấy sự đầy đặn làm chủ yếu, Liễu thể lấy sự gân guốc làm chủ yếu, người ta gọi là “nhan cân, Liễu cốt – 颜筋柳骨”. Mặc dù vậy, khi viết Liễu thể, không được quá chú trọng vào sự gầy guộc khiến cho đường nét bị khô và quá mảnh.

2. Chữ của Liễu Công Quyền dùng cả “phương bút – 方笔” và “viên bút – 圆笔”. Phương bút chỉ vào các đường nét lộ ra góc cạnh khi khởi bút và thu bút, sử dụng kỹ thuật nghịch phong. Viên bút chỉ vào chỗ tròn trịa của đường nét, dùng kỹ thuật quả phong – 裹锋, không để cho ngòi bút bị phân tán; khi hành bút không chiết, không đốn, viết đến cuối nét thì không hồi phong thu bút, không chiết, không đốn. Viên bút thể hiện sự đầy đặn, hồn hậu.

3. Nếu hoành khởi bút ngay ngắn, toàn dùng chiết phong khởi bút. Nét đoản hoành (ngang ngắn) khá thô tráng vì nhấn bút mạnh; nét trương hoành kéo dài lấy thế, giữa nét mảnh lại vì khi hành bút tới giữa nét thì hơi nhấc lên. Những nét trường hoành ở đầu chữ Liễu Công Quyền thường nhỏ ở giữa hoặc đốn đậm ở cuối, độ dài lớn, có lúc dài đột xuất. Bút thế nét ngang tuy hướng nghiêng lên phía trên bên phải nhưng người ta vẫn thấy bình ổn. Có lúc, đầu nét ngang hơn thấp, ở giữa vồng lên, tựa như lật ngược con thuyền, loại này cũng thường gặp trong chữ Liễu như chữ “thư – 书”, “quỹ – 昼”, “chân – 真”… Nếu là nét hoành trong bộ thủ đứng bên trái, để nhường không gian cho bộ phận bên phải, nét hoành thường phải viết nhỏ ở đầu bên phải, gọi là nét “hữu tiêm hoành – 右尖横”; trong các trường hợp ngược lại, sử dụng nét hoành có đầu nhỏ bên trái, gọi là nét “tả tiêm hoành – 左尖横”.

4. Khởi bút nét sổ, chiết bút được nhấn mạnh. Việc áp dụng huyền châm hay thuỳ lộ tuỳ theo yêu cầu của chữ. Nét sổ ở giữa chữ thường dùng huyền châm, thu về trên không, lực dồn đầu ngòi bút. Nét sổ ở trái và phải, có loại huớng trái, có loại hướng phải, thấy trong các chữ “viên – 圆”, “thần – 臣”, “điêu – 雕”…

5. Nét chấm trong chữ Liễu, gồm đủ cả vuông tròn, biến hoá khá nhiều. Loại ở trên bộ “miên” thường dùng thụ điêm (chấm thẳng), nét chấm bên cạnh của bộ “miên” thường dùng đoản thụ điểm, có thể thấy loại này trong các chữ “quan – 官”, “trạch – 宅”… Ngoài ra còn có loại chấm đầu chữ ‘văn” (văn tự điểm – 文字头), có thể tròn hoặc vuông ở thế nghiêng. Nét điểm vuông có hình thế như chém đinh, chặt sát; nét điểm trong có hình thế tròn đậy, như trong chữ “chủ – 主”, “huyền – 玄”…

6. Nét phẩy trong chữ Liễu viết nhanh; nét mác kéo phần chân hơi dài, cuối nét mảnh. Chỗ giao giữa nét mác và nét phẩy thường là phẩy mảnh, mác đậm, giống Nhan thể.

7. Bộ 4 chấm Hoả, hai chấm giữa thường lấy nét đoản thụ làm thành nét điểm; Bộ mịch 3 chấm cũng lấy đoản thụ làm nét chấm ở giữa; bộ 3 chấm thuỷ, nét chấm cuối hết lên chiếu đúng vào cuối nét chấm đầu tiên, tạo thế hô ứng.

8. Những chữ có hình tứ giác ôm trọn như chữ “khẩu – 口”, “viết – 曰”… thì hai góc trên thường rộng hơn 2 góc dưới, hai mặt đối xứng nhau như hình thang cạnh dưới nhỏ.

9. Những chữ có phần ” 口” ôm bên ngoài, nếu trong không còn nét nào khác thì nét sổ bên trái sẽ kéo dài ra khỏi khuôn khổ; ngược lại, nếu bên trong có các bộ phận khác, nét sổ móc bên phải sẽ dài hơn

10. Nét phẩy của chữ Mộc – 木 (kể cả khi đóng vai trò bộ thủ) thường dựa lên trên nét sổ, không vượt quá nét sổ.

11. Nét thụ loan câu – 竖弯钩 (sổ móc cong) đều dùng viên chuyển.

12. Nét loan câu trong dạng chữ “phong – 风” có hình cong đặc biệt nhất mạnh tới mức như 1/3 đường tròn; nét câu hết sức đầy đặn, lấy từ pháp độ của Chử Toại Lương mà ra.

 

Xin chia sẻ file sách tới quý Thư hữu:

https://mega.nz/file/irYgGJiB#lIs_vMN7yBmjCpJBRdR1H8fxSKIPNGb7WMjtb6nK9gE

 

One thought on “Tam Tự Kinh (三字經) – Liễu thể

  1. Khách says:

    “nhan cân, Liễu cốt – 颜筋柳骨”. chuyên tâm luyện theo thư pháp của Liễu gia, sẽ học đc bút pháp, các nét đi uyển chuyển, đường đi của từng nét. Cảm ơn bài viết hay của thầy Dũng

Comments are closed.